Mới sinh nhưng không thấy kết nối với con - tôi có là người mẹ "lạc loài"?

9 tháng mang thai, bạn tự hỏi: vì sao mình không quá hào hứng hay kết nối với em bé trong bụng như các mẹ khác? Bạn tự nhủ, chắc khi con ra đời sẽ khác. 

 

Thế rồi con ra đời, bạn bắt đầu băn khoăn khi bế con trên tay vẫn thấy khó cảm nhận được “tình mẫu tử thiêng liêng” như mọi người vẫn ca ngợi.

 

Những ngày đầu làm mẹ chẳng dễ dàng, bạn cố để hiểu, cố để trấn an con, nhưng nhiều khi không biết con thực sự muốn gì. 

Việc cho bú, thay bỉm, cho con ngủ…bạn chỉ làm vì “nhiệm vụ” nhiều hơn là sự tận hưởng, hạnh phúc của người mẹ.

 

Bạn tự hỏi: 

Mình bị sao vậy? 

Mình không yêu con mình ư? 

Mình có phải là một người mẹ tồi không? 

 

Và cảm giác tội lỗi bắt đầu nhen nhóm…

 

Hãy bình tĩnh nhé. Sự thật là chỉ riêng việc đặt câu hỏi này đã cho thấy bạn thực sự quan tâm tới em bé của mình.

 

Và quan trọng hơn:

Bạn không phải người mẹ duy nhất gặp tình trạng này!

Một cuộc khảo sát tổ chức bởi Parent - Infant Foundation  năm 2023 trên 1000 mẹ mới sinh cho thấy: hơn 10% các mẹ thấy khó kết nối với em bé sơ sinh của mình như mình “lẽ ra nên” thế.

 

Nhưng thực sự thì tiêu chuẩn “lẽ ra” đó từ đâu mà ra, và có thật không? 

Liệu tình mẫu tử có xuất hiện tự nhiên và dâng trào ngay lập tức như mọi người vẫn nghĩ?

 

Thực tế, đó chỉ là một thứ áp lực mà xã hội vô tình tạo ra cho những người mẹ.

 

Có thể, nó đến từ những cảnh trong bộ phim nào đó bạn từng xem, khi bác sĩ trao em bé sơ sinh cho người mẹ vừa vượt cạn, và trong mắt họ ánh lên tình yêu thương vô bờ bến.

 

Có thể, bạn chứng kiến việc một chị đồng nghiệp cứ tan tầm là bỏ tất cả, chạy như bay về với con. 

 

Hay cũng có thể, giữa một buổi tiệc đang vui thì cô bạn thân của bạn cáo lui chỉ vì “nhớ con lắm rồi!”

 

Tất cả đã vô tình gieo vào tiềm thức của chúng ta rằng “sinh con ra là phải ngay lập tức cảm thấy yêu và gần gũi với con hơn bất cứ điều gì”.

 

Sự thật là:

 

Các chuyên gia cho rằng kết nối mẹ - con có thể cần thời gian để hình thành - đôi khi mất tới một vài năm đầu đời. 

 

Vì sao bạn khó kết nối với con?

Nếu bạn thấy khó kết nối với con trong những tháng đầu sau sinh, đó có thể là vì:

 
  • Sinh xong, cơ thể bạn còn mệt mỏi -  đặc biệt là khi bạn sinh mổ hoặc cuộc chuyển dạ kéo dài/đau đớn hơn bình thường. Không phải bạn không yêu con, mà đơn giản cơ thể bạn cần hồi phục đủ mới có năng lượng để kết nối với bên ngoài.

  • Sự choáng ngợp do lần đầu làm mẹ - có con, cuộc sống của bạn bỗng chốc hoàn toàn thay đổi, cái gì cũng mới mẻ, cũng cần học. Con là ưu tiên số một, khiến đôi khi chẳng có thời gian cho bản thân. Vậy nên, chẳng có gì sai nếu đôi khi bạn thấy việc làm mẹ như “nghĩa vụ” thay vì một “món quà”.

  • Con và bạn không cùng ngôn ngữ - em bé mới sinh chẳng có cách giao tiếp nào khác ngoài tiếng khóc, còn bạn cũng là lần đầu học hiểu ngôn ngữ đó. “Bất đồng ngôn ngữ” khiến khoảng cách giữa mẹ con như rộng thêm ra. 

  • Em bé sơ sinh tương tác còn hạn chế - những ngày tháng đầu đời, con ngủ rất nhiều và kể cả khi thức cũng chưa thể tương tác lại nhiều với bạn. Dù cố gắng nói chuyện, hát cho con nghe, tất cả gần như là tương tác một chiều. Nhưng khi lớn hơn, con sẽ bắt đầu biết cười với bạn, ê a lại theo bạn, tỏ ra hài lòng khi được đáp ứng đúng nhu cầu… đó là lúc bạn ngày càng thấy gần gũi & thấu hiểu con hơn.

 

Làm thế nào mẹ con kết nối tốt hơn?

 

Giờ bạn đã buông xuống được áp lực, nhưng cũng đừng quên thử một số cách để giúp sự kết nối giữa mẹ con ngày một sâu hơn:

 

- Đảm bảo đáp ứng nhu cầu của con trong sự bình an. 

Mỗi lần con khóc, thay vì lo lắng, hãy bình tĩnh quan sát & dùng trực giác để đánh giá con cần gì. Đôi khi bạn sẽ đúng, và đôi khi bạn sai. Chẳng sao cả. 

 

Cứ bình tĩnh và kiên nhẫn, dần bạn sẽ hiểu con hơn, đáp ứng con tốt hơn, biết phân biệt khi nào con cần gì… và em bé cũng dần có cảm giác an toàn bên mẹ, yên tâm vì mỗi lần em khóc, mẹ luôn ở đó giúp đỡ. Kết nối qua đó hình thành, mỗi ngày một chút.

 

- Nuôi dưỡng sự kết nối qua các giác quan:

Có thể là qua xúc giác, khi da kề da mỗi lần cho con bú, ôm ấp, mát xa cho con

Hoặc bạn có thể dừng lại đôi chút và ngắm nghía từng nét mặt con, chuyện trò với con, hát cho con nghe,...

Ban đầu, những việc này có thể “kỳ kỳ” - nhưng dần sẽ trở nên tự nhiên hơn khi hai mẹ con đã dần trở nên quen thuộc.

 

- Chăm sóc cho chính mình trước đã: bởi khi mệt, bạn đâu còn năng lượng cho bất cứ sự kết nối nào với xung quanh! Đừng ngại nhờ chồng, ông bà hai bên hay bất cứ ai sẵn sàng giúp bạn những việc khác như nấu nướng, giặt đồ em bé, chuẩn bị nước tắm… để bạn được có nhiều thời gian và năng lượng bên con.

 

Và rồi sẽ đến một ngày….

Có thể, là lần đầu tiên bạn nhận ra niềm vui hé mở khi mình đoán đúng con đang cần gì;

Có thể, là khoảnh khắc bạn bắt gặp ánh mắt trong veo tin tưởng của con ngước lên nhìn mình khi đang cho con bú;

Là con đột nhiên thả lỏng, ngừng khóc khi được bạn ôm vào lòng;

Hay là lần đầu tiên con biết mỉm cười khi bạn ê a nói chuyện…

 

Sẽ đến một khoảnh khắc, niềm vui của tình yêu thương chợt nở hoa - đó là lúc bạn nhận ra, sinh vật bé nhỏ này thực sự đã trở thành 1 phần cuộc sống của mình rồi đấy!

* Lưu ý: Nếu đã nhiều tháng trôi qua, bạn đã thử những điều trên nhưng vẫn thấy cạn kiệt năng lượng và không kết nối với em bé, đặc biệt là nếu bạn hay muốn khóc - đó có thể là triệu chứng của trầm cảm sau sinh. Trong tình huống này, bạn nên tới cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và hỗ trợ.

CuteBaby nhắn nhủ:

Cuối cùng thì, đừng vội mà hãy cho mình thời gian bạn nhé. Em bé cũng chỉ là một người bạn mới, vừa xuất hiện trong cuộc đời bạn. Để chuyển lạ thành thân, ai chẳng cần thời gian để tìm hiểu lẫn nhau & học cách “enjoy” thời gian bên nhau, phải không nào?

Lên đầu trang
Tư vấn
Tư vấn
Trang chủ Tin tức Danh mục Tư vấn Giỏ hàng

Đã thêm sản phẩm

san-pham-them-gio Hộp 6 hũ nước yến sào đông trùng hạ thảo Win'sNest 70 ml (từ 12 tuổi)
Xem giỏ hàng